Bạn Hiêu Như Thế Nào Về Nghề Phiên Dịch?

Admin

Administrator
Thành viên BQT
Bạn Hiêu Như Thế Nào Về Nghề Phiên Dịch?

Phiên dịch là gì?

Hãy thử tưởng tượng bạn đã học tiếng Anh ở trường. Rồi một hôm, có một ông khách người Anh tới chơi nhà, thăm ba của bạn. Trong nhà, ngoài bạn ra, chẳng ai biết ngoại ngữ cả. Vậy là ông khách và ba của bạn sẽ nói chuyện thông qua bạn. Lúc này, bạn đang làm công việc của người phiên dịch đấy.

Hiểu một cách đơn giản thất, phiên dịch là việc chuyển một chữ, một câu, một văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi ý nghĩa của chúng.

Việc chuyển ngôn ngữ này rất khác biệt so với việc dịch từng chữ một. Người làm phiên dịch giỏi và linh hoạt luôn có xu hướng chuyển ý từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sao cho vẫn giữ được chính xác và trọn vẹn ý ban đầu.

Dịch chính xác từng câu, từng chữ là lý tưởng nhất. Nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện được với những ngôn ngữ khá gần gũi nhau như tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha v.v... Nhưng ngay đối với các ngôn ngữ gần gũi đó, không phải lúc nào cũng có thể dịch sát từng câu, từng chữ như vậy. Chẳng hạn, cùng một câu “Im lặng là đồng ý”. Tiếng Pháp dịch là “Qua se tait consent” (Ai im lặng là đồng ý), còn tiếng Anh là “Silence gives consent” (Im lặng cung cấp sự đồng ý).

24

Phiên dịch viên là ai?

Phiên dịch viên là người chuyên làm công việc chuyển các văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác, giúp những người nói không cùng ngôn ngữ có thể hiểu nhau.

Như bạn có thể thấy, phiên dịch là một công việc rất hữu ích và cao quý. Người làm phiên dịch chính là cầu nối khiến các quốc gia, tổ chức, cá nhân thuộc các ngôn ngữ khác nhau hiểu được nhau, giúp họ có sự thông cảm, thấu hiểu và trở nên gần gũi với nhau hơn.

Phiên dịch viên không chỉ đơn thuần dịch về mặt từ, ngữ, họ phải truyền tải nội dung và ý tưởng của người nói tới người nghe, người viết tới người đọc. Bởi vậy, công việc này đòi hỏi người phiên dịch phải hiểu một cách tổng quát về vấn đề, sự kiện mà họ đang dịch. Từ đó, họ có thể chuyển đổi đầy đủ, chính xác vấn đề từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch.

Nhạy cảm, hiểu biết về văn hoá cũng như sự tinh thông trong cách sử dụng ngôn ngữ là những yêu cầu cần có của người phiên dịch.



Phiên dịch nói và phiên dịch viết

Có rất nhiều cách phân chia trong nghề phiên dịch. Dựa vào hai loại hình giao tiếp cơ bản của con người (nói và viết), người ta chia công việc phiên dịch thành hai dạng: phiên dịch nói và phiên dịch viết.

Cả hai dạng công việc này đều có chung một số đặc điểm:

- Người phiên dịch cần có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ. Nghĩa là họ phải sử dụng trôi chảy, nắm vững ít nhất hai ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch).

- Khả năng diễn đạt một cách ngắn gọn, rõ ràng, sử dụng từ ngữ linh hoạt, vốn từ vựng phong phú.

Tuy nhiên, giữa hai công việc phiên dịch nói và viết vẫn có một số điểm khác biệt:


25
Dịch nói

Đây là việc chuyển đổi văn bản nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người dịch nói phải chịu sức ép rất lớn về thời gian; phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc về từ ngữ. Người dịch viết có thể đọc lại những gì mình đã dịch, chữa lại cho ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, chuẩn xác hơn. Nhưng người dịch nói không có cơ hội làm việc ấy. Trong thời gian ngắn nhất, họ phải tìm ra cách dịch chuẩn xác nhất.

Trong một buổi biểu diễn tại Hà Nội, trưởng đoàn nghệ thuật của một nước châu Á phát biểu đại ý rằng cuộc biểu diễn nghệ thuật này là món quà của nhân dân nước tôi kính tặng nhân dân Việt Nam. Nhưng ông ta dùng cách nói rất văn hoa: “Our present now lays at yourfeet”.

Người phiên dịch chủ quan đã dịch theo đúng “nghĩa đen” câu nói văn hoa ấy thành: “Chúng tôi xin đặt quà trước chân của các bạn”. Những “tai nạn nghề nghiệp” như thế có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong dịch nói nếu bạn thiếu sự tập trung và cẩn trọng.



Công việc dịch nói có một số yêu cầu:

- Người phiên dịch nói phải tập trung cao độ.

- Phải nhanh chóng hiểu được vấn đề đang được truyền tải ở cả hai ngôn ngữ.

- Diễn đạt ý tứ của vấn đề một cách rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu.

- Có khả năng phân tích, tinh ý và trí nhớ tốt.

Trong dịch nói lại có 2 kiểu dịch khác nhau:



Dịch đồng thời

Đây là kiểu dịch thường được sử dụng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, hoặc các phiên tòa quốc tế (còn được gọi nôm na là dịch ca-bin). Người dịch thường ngồi trong phòng cách âm, nghe qua tai nghe và dịch qua micro.

Dịch đồng thời có nghĩa là phải vừa nghe vừa dịch cùng một lúc với diễn giả. Do đó, người phiên dịch cần có khả năng nắm bắt ngay ý của người nói và chuyển tải rất nhanh sang ngôn ngữ dịch. Muốn làm tốt công việc của mình, người dịch đồng thời phải hiểu biết tổng quát về vấn đề mà mình đang dịch, và bám sát phát biểu của người nói, tránh thêm bớt vào nội dung dịch. Tham gia vào dịch công việc dịch này thường là những phiên dịch viên giỏi, am hiểu vấn đề được đề cập, có nhiều kinh nghiệm trong việc dịch hội nghị, hội thảo quốc tế.



Dịch đuổi

Dịch đuổi là dịch bắt đầu ngay sau khi người nói kết thúc một câu hay một đoạn. Người dịch vừa nghe, vừa chép lại vắn tắt những điều người phát ngôn đang nói. Cách dịch này được dùng phổ biến trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong những cuộc nói chuyện tay đôi, ở đó người dịch ngồi gần cả hai người hoặc hai nhóm người đang đối thoại.



Dịch viết

Là công việc chuyển đổi một văn bản viết từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người dịch viết không phải chịu sức ép thời gian căng thẳng hay yêu cầu phải phản ứng tức thì như dịch nói.

Tuy nhiên, về mặt chất lượng dịch (sự chính xác về ngữ nghĩa, sự trong sáng, mạch lạc và hình ảnh trong cách hành văn) thì đòi hỏi đối với văn bản dịch viết cao hơn rất nhiều so với văn bản dịch nói. Bởi lời nói thoảng qua, những lỗi nhỏ của người phiên dịch có thể không khiến người nghe chú ý. Nhưng dịch viết thể hiện rõ ràng trên văn bản viết. Người phiên dịch lúc này đã ở vào thế “bút sa gà chết” và không được phép mắc lỗi.



Những yêu cầu cơ bản với người dịch viết là:

- Có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kiến thức về văn hóa của nước sử dụng thứ tiếng mình đang dịch.

- Có khả năng viết và phân tích tốt.

- Có khả năng biên tập tốt.


26
Dịch xuôi và dịch ngược

Dựa vào ngôn ngữ được phiên dịch chuyển đổi, người ta lại chia ra làm hai kiểu dịch xuôi và dịch ngược.

Dịch xuôi:

Là việc chuyển dịch ngôn ngữ từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ của người dịch.

Nhiều người nghĩ rằng dịch xuôi dễ hơn dịch ngược, chỉ cần vốn ngữ pháp vững vàng, vốn từ vựng tương đối và quyển từ điển là sẽ dịch được dễ dàng. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy. Việc dịch xuôi cũng thường gặp khá nhiều khó khăn. Chẳng hạn bạn phải dịch các chuyên đề lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại v.v… từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ. Trong không ít trường hợp, những chuyên đề này được viết với trình độ rất cao, chứa những khái niệm và từ ngữ khó mà tiếng Việt có thể chưa có khái niệm, từ ngữ tương đương.

Lúc này, người phiên dịch phải tra cứu kỹ lưỡng từ điển (kể cả từ điển chuyên ngành), tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực đó... để cuối cùng đưa ra một công thức tương đối phù hợp. Đồng thời, phải có thêm chú thích cụ thể, cặn kẽ để người nghe hoặc người đọc hiểu được. Trong nhiều trường hợp, ở các văn bản dịch, bạn có thể thấy dịch giả đề chữ “tạm dịch là...” và chú thích sau đó.

Ngoài ra, một trong những lỗi về tư duy mà phiên dịch viên dễ mắc phải, nhất là những người mới vào nghề, là nói theo lối tiếng nước ngoài. Nhiều ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh v.v... thường sử dụng cấu trúc khá phức tạp với những mệnh đề phụ hay thể bị động.

Người học ngoại ngữ nhiều rất dễ quen sử dụng theo cách này. Trong khi đó, ngữ pháp Việt Nam lại có xu hướng sử dụng những câu đơn giản, lối nói chủ động. Như vậy, rõ ràng bạn đã dịch sang tiếng Việt rồi mà bản dịch của bạn vẫn bị chê là “Tây quá” hay “văn Tây”.

Trong trường hợp này, để có bản dịch thực sự đúng và hay, bạn không những cần thông thạo ngoại ngữ, mà còn phải nắm vững và làm chủ được chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Điều này quả không dễ chút nào, bởi không phải người Việt nào cũng có thể nói được tiếng Việt thực sự trong sáng, rõ ràng và dễ hiểu, phát huy được vốn từ vựng giàu về hình ảnh, thanh điệu, cách ví von v.v của tiếng Việt.

Dịch ngược

Là việc chuyển dịch ngôn ngữ từ tiếng mẹ đẻ của người dịch sang tiếng nước ngoài.

Nếu dịch xuôi đã khó thì dịch ngược còn có phần gian nan hơn. Đây là công việc khó nhiều bề. Viết được tiếng nước ngoài với trình độ ngang bằng người bản xứ là điều có khi phải vài chục năm trong nghề dịch mới tạm đạt được.

Chẳng hạn, bạn sẽ xoay sở thế nào để tìm được các “công thức dịch” đúng cho những khái niệm vẫn được dùng quen thuộc ở Việt Nam như: “Phép vua thua lệ làng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Chính sách đi tắt đón đầu”, “Vừa đá bóng vừa thổi còi” v.v…

Khi dịch nói, người phiên dịch thường tiến hành dịch xuôi và dịch ngược đồng thời. Còn với dịch viết, do yêu cầu và tính đặc thù của công việc, những văn bản dịch ngược thường có thù lao cao hơn so với dịch xuôi.

Một người phiên dịch giỏi là người có khả năng dịch xuôi và dịch ngược đều tốt như nhau. Nhiều người phiên dịch lâu năm trong nghề truyền đạt lại kinh nghiệm của mình rằng: không nên quá phân biệt dịch xuôi hay dịch ngược, bởi kỹ năng của hai cách dịch này hỗ trợ rất nhiều cho nhau. Thường người dịch xuôi tốt thì cũng dịch ngược tốt và ngược lại.
 
Top