Sau khi đăng bài về sách mới của Lưu Hiểu Ba, mình được bác Bùi Xuân Bách mách cho biết GS Nguyễn Huệ Chi có dịch một chùm thơ tình của Lưu Hiểu Ba. Bản dịch bài “Khát vọng xa chạy cao bay – Tặng vợ” có câu “Ngón chân em không tách lìa ra”, với chú thích khá lý thú: “theo dịch giả Bùi Xuân Bách, có lẽ tác giả dùng biểu tượng này để chỉ trạng thái người phụ nữ chưa đến lúc hưng phấn cao độ.
Ngày xưa phụ nữ bó chân, các ngón dính sát với nhau, chỉ đến lúc thật hưng phấn mới tõe hết ra”. Dịch đến vậy quả là tầm cao thủ, là một ví dụ của kỳ công đào sâu hơn nghĩa bề mặt để lột tả “ý tại ngôn ngoại” (between the lines) của bản gốc. Bài viết sau đây không có tham vọng học thuật cao siêu gì, mà chỉ góp nhặt linh tinh những chuyện liên quan đến vận dụng hiểu biết văn hóa trong dịch thuật. Trừ vài ví dụ gần đây, những phần khác trong bài trích từ bản thảo viết hồi xưa (khoảng 1997-1998) nhưng chưa công bố.
Có lần Hồ Chủ Tịch cùng một đoàn khách nước ngoài đến thăm một ngôi chùa ở Hà nội. Một vị khách hỏi: “Who manages this pagoda?”. Người phiên dịch ngay lập tức dịch như sau: “Ai quản lý chùa này?” Nhưng sư sãi trong chùa bỗng lúng túng không trả lời được. Khi ấy, Hồ Chủ Tịch, vốn nổi tiếng là người giỏi ngoại ngữ, dịch lại như sau: “Ai chăm lo hương khói cho chùa này?” (Nguồn: Best Practices in Translation, Ford Foundation, NGO Steering Committe, 1996.) Rõ ràng là câu đầu tiên dịch rất sát, và nói thật tình là chẳng có gì sai về nghĩa, nhưng lại không đạt hiệu quả giao tiếp. Trái lại, câu dịch thứ hai rất dễ hiểu và gần gũi với người nghe trong ngôn ngữ đích (ở đây là các nhà sư). Lý do rất đơn giản: Hồ Chủ Tịch am hiểu tín ngưỡng của người Việt Nam, lại rất nhạy cảm với tình huống văn hóa này nên đã dịch rất … Việt Nam. Bản thân từ ‘manage’ ngoài nghĩa ‘quản lý’ còn có nghĩa bình thường là ‘trông nom / cai quản’. Do đặc thù văn hóa Việt Nam, từ ‘quản lý’ dễ mang hàm ý hành chính / nhà nước như trong ‘quản lý thị trường’ hay ‘quản lý hộ khẩu’, nên khái niệm quản lý chùa làm sao các bậc tu hành nghe cho lọt lỗ tai.
Trên tờ Financial Times ngày 9/1/2012, tác giả Gideon Rachman có bài bình luận tựa đề “Why I’m feeling strangely Austrian”. Từ ‘Austrian’ thoạt tưởng dễ hiểu nhưng không dễ dịch nếu người dịch không có chút hiểu biết về kinh tế chính trị. Bài này viết về ảnh hưởng của các trường phái kinh tế đối với các trào lưu chính trị toàn cầu gần đây. (Trong đoạn thứ hai, tác giả nêu bốn xu hướng chính: dân túy cánh hữu [rightwing populist], dân chủ xã hội theo trường phái Keynes [social democratic-Keynesian], tự do và không có sự can thiệp của nhà nước theo trường phái Hayek [libertarian-Hayekian] và chống chủ nghĩa tư bản / chủ nghĩa xã hội [anti-capitalist/socialist].) Tác giả nêu cảm nhận về dấu ấn của trường phái kinh tế Áo. Tuy trường phái này được khởi xướng bởi những nhà kinh tế khác như Carl Menger và Ludwig von Mises, nhưng Friedrich von Hayek (lúc đó ở trường London School of Economics) nổi tiếng nhất nhờ cuộc tranh luận về kinh tế vĩ mô với John Maynard Keynes (ở Đại học Cambridge). Hayek cho rằng thị trường tự do sẽ quyết định chu kỳ kinh tế, và cung cầu nên chịu ảnh hưởng của các cá nhân có quyền tự do lựa chọn. Trong khi đó, Keynes ủng hộ sự can thiệp của chính phủ với ngân hàng trung ương và các thể chế khác đóng vai trò điều tiết chu kỳ kinh tế, và nên dùng phân tích tổng cung – tổng cầu. Do vậy, từ ‘Austrian’ nên dịch bằng cách diễn giải hơi dài dòng mới lột tả hết hàm ý, ví dụ như ‘chịu ảnh hưởng của / thiên về / theo trường phái kinh tế Áo’. Ngoài ra, đoạn cuối của bài này đề cập đến cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng đầy ẩn ý, khá dễ hiểu đối với độc giả của tờ báo Anh quá quen thuộc với quan điểm và chủ trương của Đảng Bảo thủ và Bà Đầm Sắt. Một trong những tác phẩm được Đảng Bảo thủ ưa chuộng là cuốn “The Road to Serfdom” của … Hayek. (Bản tiếng Việt “Đường Về Nô Lệ” do Phạm Nguyên Trường dịch.) Ẩn ý này không thể nào lột tả trong bản dịch.
Tờ Globe and Mail ngày 7/3/2012 có bài “Is Apple facing its ‘Nike moment’?”, bàn về chuyện hãng Apple làm ngơ trước môi trường làm việc tệ hại ở các hãng thầu sản xuất ở Trung Quốc chỉ chăm chăm cắt giảm chi phí. Ví dụ, hãng Foxconn (lắp ráp iPad, iPhone và các thiết bị điện tử của các hãng nổi tiếng khác) năm ngoái có 3 công nhân chết trong một vụ nổ, và năm 2010 có 18 công nhân tự tử hay tìm cách tự tử. Cụm từ ‘Nike moment’ gợi nhớ đến chuyện đã xảy ra với Nike hồi cuối thập niên 1990. Lúc đó, Nike chịu nhiều điều tiếng là bóc lột công nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong những nhà máy có điều kiện lao động tệ hại (sweatshop) ở các nước thế giới thứ ba. Năm 1998, sau khi đọc một bài báo trên tờ New York Times về những nghi vấn xung quanh các nhà máy ở nước ngoài của Nike, Marc Kasky, một nhà hoạt động phong trào bảo vệ người tiêu dùng ở San Francisco, kiện Nike căn cứ theo luật bảo vệ người tiêu dùng của tiểu bang California (luật này nhằm để loại trừ cạnh tranh không công bằng và quảng cáo sai lệch). Đơn kiện cho rằng Nike đã đánh lừa công chúng về điều kiện làm việc trong các nhà máy ở Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc, và những lời phát biểu của công ty là quảng cáo láo. Theo đơn kiện của Kasky, Nike phát biểu như thế trong khi biết công nhân chịu hình phạt thể xác, bị lạm dụng tình dục, làm việc trong điều kiện nguy hiểm, và thường không được hưởng “mức lương đủ sống” (living wage) dù có thể phải làm việc đến 14 giờ / ngày. Do vậy, tựa đề bài này khó mà dịch cho đủ ý; họa chăng chỉ là diễn giải đại loại như: “Phải chăng Apple đang mất mặt như Nike trước kia?”. Ngoài ra, bối cảnh văn hóa đằng sau câu chuyện này không thể nào dịch được: đa số người tiêu dùng phương Tây không chấp nhận sản phẩm nếu hãng sản xuất hay người bán làm ăn gian dối (gây tác hại môi trường, bóc lột lao động, cạnh tranh không công bằng …). Hiện đã có một số lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Apple vì chuyện này.
Có dạo trên tờ American Finance có bài báo với tựa đề “Who don’t pay on April 15th?” Làm sao dịch bây giờ? Nếu không chịu khó tìm hiểu về văn hóa Mỹ mà cứ dịch là “Aikhông trả tiền vào ngày 15 tháng Tư?” thì e rằng không đúng và người đọc chắc không hiểu. Mọi công dân Mỹ đều khắc sâu ngày này trong tâm trí họ, không phải vì đó là một ngày lễ hội truyền thống trọng đại, mà là hạn chót để họ nộp báo cáo thuế thu nhập cá nhân (của năm trước) cho cơ quan thuế, nếu nộp trễ hơn ngày đó, họ sẽ bị phạt và càng trễ thì càng phải trả lãi cho số tiền phạt đó. Tác giả đã đánh trúng nỗi ám ảnh của dân Mỹ, và dùng câu hỏi đó thực ra là muốn đặt vấn đề “Ở Mỹ, ai trốn thuế?”.
Một ví dụ khác lấy từ một bài báo đăng trên tờ Newsweek số ra ngày 21 tháng 8 năm 1995, viết về việc hãng Microsoft mở chiến dịch tung phần mềm Windows 95 ra thị trường. Trong bài báo này có câu ‘Windows 95 is an equivalent to the O.J. trial.’ Quả thật, ai không theo dõi tình hình thời sự nước Mỹ lúc bấy giờ thì không thể nào dịch được câu này. Chẳng là vào thời gian đó, cả nước Mỹ đang chăm chú theo dõi vụ án kéo dài cả năm xử O. J. Simpson giết vợ cũ và tình địch. Vụ án này liên quan đến siêu sao bóng đá (Mỹ) được công chúng Mỹ hâm mộ, nên gây xôn xao dư luận và được phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin liên tục. Bài báo này so sánh ảnh hưởng của phần mềm Windows 95 với tác động của vụ án này đối với công chúng Mỹ. Do vậy có thể tạm dịch câu này như sau: ‘Windows 95 cũng nổi đình nổi đám chẳng kém gì phiên tòa xử O.J.’
Ai đã từng xem và dịch phim Mỹ, nhất là phim hình sự, chắc đã không ít lần kinh sợ trước những tiếng lóng nghề nghiệp (jargon) của FBI, chẳng hạn như: ‘More roast beef!’ hay ‘I roast beefed him!’. Để hiểu những cách nói này cần phải biết đến câu chuyện lan truyền trong khắp tổ chức FBI. Có một nhân viên FBI ở New York vào một tiệm fast-food; anh ta gọi một cái bánh sandwich thịt bò nướng, bụng thầm nghĩ tiệm này sẽ bán hạ giá hoặc sẽ thêm thịt bò nướng cho các nhân viên FBI và cảnh sát. Thế nhưng, nhân viên phục vụ chỉ đưa cho anh ta một cái bánh bình thường trông chẳng lớn hơn bao nhiêu. Giận quá, anh ta bèn rút thẻ FBI ra và hét vào mặt nhân viên phục vụ: ‘FBI! More roast beef.’ (FBI đây! Cho thêm thịt bò nướng đi.’); hoảng quá, nhân viên phục vụ phải tuân theo. Câu chuyện này cho thấy các nhân viên có uy quyền ghê gớm, và thường lạm dụng nó. Từ đó về sau, mỗi khi tức giận, các nhân viên FBI thường hét lên: ‘More roast beef.’; còn khi nhân viên báo cáo với xếp: ‘I roast beefed him!’ có nghĩa là đã xuất trình thẻ FBI với đương sự. (Nguồn: Ronald Kessler, The FBI, Pocket Books,1994.)
Thử xét tình huống này: một người đến thăm bạn mình vừa mới có con đầu lòng, và thốt lên ‘Trời, thằng nhỏ dễ ghét ghê!’ Nếu không khéo thì ta sẽ dịch câu này thành một lời chê bai, nhưng thực chất đó là một lời khen. Người Việt khi khen về một đứa bé thường có xu hướng nói ngược lại, vì họ e rằng nói đúng sự thật thì nhỡ ra đứa bé ‘có phản ứng ngược’ và lớn lên sẽ không được như ý. Câu dịch đại loại như ‘My, what a cute baby!’ chỉ dịch được ý nghĩa chứ không thể nào lột tả được nét văn hóa nêu trên. Trong bài viết ‘Có hiện tượng bất khả dịch không?’(Nguồn: Những vấn đề ngôn ngữ và dịch thuật, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, 1993), tác giả Lương Văn Luyện cũng cho một ví dụ tương tự: “Ở Việt Nam, tại nhiều nơi, kể cả Hà Nội, đến nhà thấy một bé trai hay bé gái kháu khỉnh mà muốn khen thì không nên nói thẳng ‘Chà, cháu bé kháu khỉnh quá nhỉ?’;khen như vậy cần thận trọng vì có gia chủ lại kiêng không thích nói như vậy. Cho nên để an toàn, nhiều người vẫn hay mở đầu như sau ‘Nói trộm vía chứ cháu bé bụ quá nhỉ?’. Yếu tố ‘nói trộm vía’ có thể coi là một trong các ‘bất khả dịch’.” (Cập nhật: Sau khi bài đăng lên, một người bạn trên Facebook mách cho biết “Trong tiếng Anh, có lẽ thuật ngữ tương đương với ‘nói trộm vía‘ là ‘knocking on wood” hoặc ‘touch wood’.
Nguồn: Phạm Vũ Lửa Hạ WordPress