Sức mạnh của ngôn ngữ nằm trong tay người biết sử dụng chúng, đó là chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng tri thức nhân loại, và nắm bắt cơ hội mới, hãy để chúng tôi cùng song hành trên con đường thành công của Quý Khách.
 CEO of Focus Asia Services of Translation and Interpreting

  • Home
  • Phiên âm tên riêng của tiếng Hàn sang tiếng Việt khi dịch tài liệu Hàn Quốc

Phiên âm tên riêng của tiếng Hàn sang tiếng Việt khi dịch tài liệu Hàn Quốc

Bang Chu Cai Tieng Han Quoc 600x375 1 5

Nếu các bạn đã đọc các tài lieu cũng như các bài báo viết về văn hóa Hàn Quốc, thì các bạn sẽ nhận thấy rằng cách phiên âm tên riêng của tên người hay tên địa danh không thống nhất. Mỗi văn bản, mỗi người lại có cách phiên âm khác nhau, nếu không xem kỹ có thể nhầm lẫn. Cùng một người mà có khi tưởng là 2,3 người khác nhau. Cùng một địa danh có khi lại nghĩ là nhiều địa danh khác nhau. Vấn đề này cũng là vấn đề chung mà nhiều người Việt Nam học tiếng Hàn gặp phải, nhất là những người không học ngôn ngữ này thì càng cảm thấy hoang mang hơn. Dịch thuật Châu Á sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề này.

Như các bạn đều biết, tên của một người, một địa danh, một đất nước được gọi chung là tên riêng nhằm phân biệt người này với người khác, địa danh này với địa danh khác, nước này với nước khác. Nguyên tắc đầu tiên của việc viết tên riêng là phải viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có. Trên thế giới hiện có khoảng 50 bảng chữ cái khác nhau. Có hệ chữ viết ghi âm, có hệ ghi ý. Mỗi dân tộc ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Và đương nhiên, trong quá trình giao tiếp, giao lưu, chúng ta có nhu cầu đọc tên riêng của các nước và hiển nhiên dẫn đến nhu cầu cần phiên âm từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác hoặc chuyển từ chữ viết này sang chữ viết khác.

 

Mỗi ngôn ngữ đều có những đặc trưng ngữ âm riêng, có bảng chữ cái riêng nên cũng có những hiện tượng ngữ âm và chính tả khác nhau. Trong thứ tiếng này lại không có âm và chữ viết tương đương của thứ tiếng khác. Ngòai ra, do năng lực thẩm âm mỗi người mỗi khác, và mỗi người lại đọc theo tiếng Anh, tiếng Pháp hay theo thứ tiếng nào đó, nên tất yếu xảy ra hiện tượng mỗi người phiên âm một kiểu và phiên âm luôn luôn không đạt được sự đồng âm giống hệt như âm gốc. Chính điều này đã trở thành đề tài tranh luận và gây khó khăn cho không ít người sử dụng, đặc biệt là việc đi tìm sự thống nhất khi phiên âm tên riêng từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

 

Vốn dĩ mỗi quốc gia lại có cách phiên âm tên riêng của tên người và địa danh khác nhau. Một ví dụ rất phổ biến là tên thủ đô nước Nga nguyên bản là MOCKBA, được người Anh phiên âm thành Moscow, người Pháp phiên thành Moscou, người Trung Quốc lại phiên theo cách riêng và được người Việt đọc theo âm Hán – Việt là Mạc Tư Khoa. Có một thời nhiều người Việt học tiếng Nga nên thủ đô Nga cho đến nay còn được viết theo cách đọc tiếng Nga thành Mát-xcơ-va. Quả là rất đa dạng đúng không nào các bạn? Không chỉ mỗi quốc gia có cách phiên âm khác nhau cho cùng một tên riêng mà ngay trong một quốc gia cũng có nhiều cách phiên âm khác nhau tuỳ theo mỗi người.

Trở lại với thắc mắc trong việc phiên âm tên riêng từ tiếng Hàn sang tiếng Việt nhé. Chúng tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể để các bạn dễ hình dung. Hẳn là chúng ta đều biết tên của cố tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là Lee Seung-man đúng không nào? Trong tiếng Việt hiện nay tồn tại ít nhất 3 cách phiên âm là: Lý Thừa Vãn, Rhee Syng-man, Yee Sung-man…Nếu là một người không biết về lịch sử Hàn Quốc, không biết về nhân vật này thì chắc tưởng đây là 3 người hoàn toàn khác nhau. Nhiều khi chính người Hàn sẽ cảm thấy ngạc nhiên về cách phiên âm đó nhưng người Việt thì lại hoàn toàn chấp nhận được. Đó chính là lý do vì sao mà người ta thường nói rằng để học tốt ngôn ngữ một người cần phải hiểu rõ được văn hóa của nước đó.

Đúng thế, sở dĩ có sự khác nhau này là vì người viết có thể sử dụng phiên âm theo âm Hán – Việt, hoặc phiên âm theo âm đọc, hoặc tham khảo các tài liệu nước ngoài. Tôi còn nhớ có một người bạn đang du học bên Nhật từng ghé thăm Hàn Quốc. Người bạn ấy đã đề nghị tôi đưa đến một số nơi như chợ Nam Đại Môn, chợ Đông Đại Môn, Khánh Châu, Thuỷ Nguyên…Mới nghe tôi thực sự không biết rõ đó là những nơi nào. Với những từ dễ hiểu, dễ đoán như chợ Namdaemun, Dongdaemun thì tôi còn biết chứ những địa danh khác thì chịu. Chả là bạn ấy có đọc tài liệu bằng tiếng Nhật nên biết về mấy địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc, vì chúng được viết bằng tiếng Hán nên bạn ấy đã đọc theo âm tiếng Hán. Sau khi nghe giải thích tôi mới luận được ra rằng Khánh Châu chính là Gyeongju, còn Thuỷ Nguyên là Suwon.

Trước đây người Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều cách đọc chữ Hán nên nhiều từ tên riêng được Hán hoá rồi lại Việt hoá. Có nhiều từ đã quen thuộc và dùng phổ biến, coi như quy chuẩn nhưng cũng nhiều từ còn lạ lẫm với chúng ta hiện nay. Đông Kinh chính là Tokyo thì hẳn là đa số đều hiểu nhưng chắc chắn sẽ có không ít bạn không biết rằng Nã Phá Luân là Napoleon đúng không ạ? Xem lại nhiều tài liệu về Hàn Quốc trước đây thì chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều từ mà thậm chí những người học về Hàn Quốc cũng không rõ đó là ai, đó là đâu như các trường hợp mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Ngay cả tên của Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay cũng được phiên âm khá đa dạng: theo âm Hán Việt là Lý Minh Bắc, theo cách đọc từ tiếng Anh là Ly Miêng Bác, và theo cách đọc trực tiếp từ tiếng Hàn là Y Miêng Bắc…Ngay như thủ đô của Hàn Quốc là Seoul cũng được phiên âm thành Hán Thành, rồi Sê-un, Xơ-un…gây ít nhiều hoang mang cho người sử dụng. Vậy khi phiên âm các tên riêng từ tiếng Hàn sang tiếng Việt chúng ta nên theo quy tắc nào cho hợp lý nhất? Đối với những từ đã quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức cũng như được các phương tiện truyền thông sử dụng rộng rãi như cố Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành chẳng hạn thì chúng ta giữ nguyên và các tên riêng còn lại thì phiên âm theo quy chuẩn phiên âm tiếng Anh của Hàn Quốc là hợp lý hơn cả.

Tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc- Lee Myung Bak

Tức là khi tên riêng của chữ Hàn được phiên âm sang chữ Latinh thế nào thì chúng ta theo như vậy. Đôi khi cũng không hẳn là hòan tòan theo tiếng Anh – Anh hay tiếng Anh – Mỹ vì người Hàn cũng có những cách phiên âm riêng….Trở lại với ví dụ về thủ đô Seoul, nếu chúng ta học ngôn ngữ Hàn, nghiên cứu văn hóa Hàn thì nên theo phiên âm kiểu Hàn tức là không nên dùng là Hán Thành, hay Lee Myung-bak thì không nên phiên âm thành Lý Minh Bác. Và khi phiên âm theo cách đọc của người Hàn thì chúng ta cần chú ý, dù nói rằng tiếng Hàn được phiên âm sang hệ thống chữ viết Latinh nhưng chẳng hạn như địa danh Daegu thì lại đọc theo kiểu tiếng Hàn là Thê-gu…Rõ ràng như vậy là “D” theo tiếng anh đọc là ‘đi”, theo tiếng Việt đọc là “đờ” và tiếng Hàn thì đọc như chữ “thờ” của tiếng Việt đúng không nào. Đó chính là sự khác biệt về hệ thống chữ viết, âm thanh, văn hóa ngôn ngữ các bạn ạ. Vậy tóm lại, khi nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa của đất nước nào đó chúng ta cần theo những đặc trưng riêng của họ.

 

Cảm ơn bạn đã truy cập website của Dịch Thuật Châu Á. Hy vọng những thông tin mà Dịch Thuật Châu Á cập nhật sẽ hữu ích cho các bạn.

 

 

0/5 (0 Reviews)