Giấy phép lái xe là một giấy tờ pháp lý chứng minh bạn đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông. Và để giấy phép lái xe cấp ở nước ngoài được công nhận và sử dụng hợp pháp tại Việt Nam thì cần phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự. Để giúp bạn hiểu rõ hơn Dịch thuật Châu Á xin đưa ra một số thông tin về hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe mời bạn cùng tham khảo.
Bằng lái xe quốc tế có giá trị ở Việt Nam không?
Khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về việc người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam như sau:
- Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.
- Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 6/7/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng bằng lái xe quốc tế:
Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.
Như vậy, ngoại trừ giấy phép lái xe quốc tế được cấp từ các nước tham gia Công ước Viên 1968, bằng lái xe quốc tế đa phần không có giá trị ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Đặc biệt, bằng lái xe quốc tế cấp ở Việt Nam không có giá trị sử dụng tại Việt Nam.
Điều này áp dụng cho cả người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Do đó, người nước ngoài muốn tham gia giao thông ở Việt Nam bằng các phương tiện như xe 2 bánh, xe 4 bánh cần tiến hành thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang bằng Việt Nam tại Việt Nam. Không nên đổi bằng lái xe quốc tế tại Việt Nam vì không có giá trị sử dụng tại Việt Nam.
Thời hạn sử dụng của bằng lái xe đổi cho người nước ngoài
Điểm a, điểm b khoản 7 Điều 37 Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định:
– Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú, phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam;
– Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với thời gian du lịch ở Việt Nam (từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh) nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam.
Điều kiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe nước ngoài
Để thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe nước ngoài được công nhận và sử dụng tại Việt Nam thì người đề nghị cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Giấy phép lái xe nước ngoài không bị sửa chữa, tẩy xóa; không phải là giấy phép lái xe giả,… có con dấu và chữ ký rõ ràng.
- Công dân Việt Nam, có hộ chiếu song tịch, nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam.
- Có giấy phép lái xe nước ngoài, và muốn điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Hồ sơ xin hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, khi thực hiện thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự giấy phép lái xe người đề nghị phải chuẩn bị đủ các giấy tờ sau để nộp lên cơ quan thẩm quyền như:
- Phiếu đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự (theo mẫu).
- Bản dịch thuật và bản photo của giấy phép lái xe nước ngoài.
- Bản gốc giấy phép lái xe để đối chiếu.
- Một (01) bản chụp chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác của đương sự (có xuất trình bản gốc để đối chiếu).
Thủ tục đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài mới nhất
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục đổi GPLX Việt Nam
Hồ sơ cần chuẩn bị để chuyển đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài tại Việt Nam gồm có:
- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo quy định (mẫu dùng cho người nước ngoài). Download tại đây.
- Bản dịch thuật công chứng bằng lái xe nước ngoài ra tiếng Việt.
- Bản sao hộ chiếu: phần họ và tên ảnh, trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
- Bản sao thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam của người nước ngoài.
Bước 2. Đặt lịch hẹn qua HOTLINE của Sở Giao thông vận tải
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết để chuyển đổi bằng lái xe, người nước ngoài cần đặt lịch hẹn trước khi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền nộp giấy tờ.
Do tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp và hồ sơ còn tồn đọng nhiều sau thời gian dài giãn cách xã hội, nên hiện tại người nước ngoài muốn đặt lịch hẹn đổi bằng lái xe phải chờ đến ít nhất 25/1/2022.
Bước 3. Nộp hồ sơ tại Sở GTVT (nơi đăng ký cư trú, lưu trú, tạm trú hoặc định cư lâu dài)
Khi đã đặt xong lịch hẹn, người lái xe phải đến cơ quan cấp giấy phép lái xe để chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ ở bước 1 (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Địa chỉ nơi nộp hồ sơ đổi GPLX tuỳ thuộc vào nơi người nước ngoài làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú.
Chẳng hạn: Người Đài Loan làm việc tại Bình Dương nhưng có TRC do Sở Lao động – Thương Bình và Xã hội TP.HCM cấp. Trường hợp này họ cần nộp hồ sơ xin chuyển đổi GPLX lên Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Bước 4. Kiểm tra hồ sơ đổi GPLX của người nước ngoài
Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận.
Nếu hồ sơ không đúng theo quy định, người nộp đơn sẽ được thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần bổ sung/sửa đổi trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Bước 5. Nộp lệ phí chuyển đổi bằng lái xe Việt Nam
Chi phí đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ dành cho người nước ngoài là 135.000 đồng/lần. Mức phí này được quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC.
Bước 6. Chờ giải quyết và nhận kết quả BLX
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiến hành việc đổi giấy phép lái xe nước ngoài sang giấy phép lái xe Việt Nam.
Trường hợp không được chấp thuận đổi giấy phép lái xe sẽ được trả lời và nêu rõ lý do.
Hy vọng những thông tin trên sẻ phần nào hỗ trợ quý khách tốt hơn trong nhu cầu đổi bằng lái xe nước ngoài tại Việt Nam.