Sức mạnh của ngôn ngữ nằm trong tay người biết sử dụng chúng, đó là chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng tri thức nhân loại, và nắm bắt cơ hội mới, hãy để chúng tôi cùng song hành trên con đường thành công của Quý Khách.
 CEO of Focus Asia Services of Translation and Interpreting

  • Home
  • Cô sinh viên phiên dịch tiếng Trung “liều lĩnh”

Cô sinh viên phiên dịch tiếng Trung “liều lĩnh”

Từng là phiên dịch viên cho Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM và Tổng thư ký Hội đồng Giáo dục và tài trợ du học Trung Quốc, ít ai biết rằng Hoàng Thị Bạch Cúc là sinh viên bộ môn tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM.

(Hoàng Thị Bạch Cúc – sinh viên bộ môn tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM.)
 
Thời THPT, Cúc từng ba lần đoạt giải cao môn Văn cấp tỉnh. Nhưng khi thi đại học, Cúc lại quyết định chọn tiếng Trung. Nhờ thành tích học tập nổi trội, từ tháng 4/2010, Cúc được thầy cô trong khoa giới thiệu làm cộng tác viên phiên dịch tại Công ty tổ chức sự kiện Việt – Trung Hoa. Công việc của Cúc là chuẩn bị một phần cho các hội thảo, cụ thể là gửi thư mời đến các cấp lãnh đạo đại diện Chính phủ, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt  – Trung, và thu thập tài liệu liên quan.

Thời gian đầu, Cúc tưởng chừng như không thể đảm nhận được công việc vì quá ít kinh nghiệm. Hơn nữa, lịch học không cho phép, nhưng nhờ nỗ lực, tỉ mỉ, hăng say học hỏi, giám đốc công ty tin tưởng giao Cúc làm phiên dịch cho bài phát biểu của các lãnh đạo, doanh nghiệp Trung Quốc sang tiếng Việt và dịch sang tiếng Trung những bài phát biểu tiếng Việt trong hội thảo.

Để có thể trở thành phiên dịch viên chính, Cúc đã phải vượt qua hàng chục phiên dịch viên khác. Nhờ chất giọng phát âm tiếng Trung rõ, chuẩn và phong thái tự tin, linh hoạt, Cúc đã thuyết phục được giám đốc công ty giao cho công việc không hề dễ dàng này, nhất là đối với một sinh viên (SV).

“Lần đầu giữ vai trò là phiên dịch viên chính trong hội thảo, dù những văn bản phát biểu đã được dịch từ trước, nhưng áp lực vẫn rất lớn. Làm sao để âm sắc, tông giọng, phát âm rõ ràng mà vẫn thể hiện phong thái trang trọng của người phát biểu khiến tôi luôn phải tập trung cao độ” – Cúc nhớ lại.

Trước đó, Cúc đã “tập tành” làm nghề từ khi còn là SV năm hai. Đó là lúc Cúc làm phiên dịch cho một doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh sản xuất nhạc cụ khi đàm phán với Tổng giám đốc Công ty nhạc cụ âm thanh ánh sáng Trùng Dương. Vì chưa có nhiều vốn từ chuyên ngành nên Cúc phải “chêm” thêm tiếng Anh và nói bằng… tay. Cúc chia sẻ: “Lần đầu tiên lúng túng là thế, nhưng thật vui khi ứng dụng những kiến thức mình được học để làm cầu nối cho hai bên hiểu nhau và cùng nhau hợp tác”. Sau lần “vào nghề” đầy khó khăn này, Cúc đã chuyên tâm rèn luyện những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để ngày càng hoàn thiện hơn.

Tháng 8/2010, Cúc được nhận vào làm tại Hiệp hội Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với vai trò quản lý hội viên. Đây là hiệp hội có quy mô lớn, nối kết hoạt động của 150 doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Cứ khoảng 45 ngày, hiệp hội lại tổ chức hội thảo một lần. Từ những kinh nghiệm tích lũy được, giờ đây việc phiên dịch và tổ chức hội thảo với Cúc đã trở nên dễ dàng hơn.

(Phiên dịch viên Bạch Cúc (thứ ba từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong một buổi làm việc.)

Tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, điều Cúc học được từ họ là phong thái làm việc nhanh nhẹn và tính kỷ luật cao. Khi được hỏi, đâu là bí quyết để trở thành một phiên dịch viên giỏi, Cúc chia sẻ: “Việc chú ý lắng nghe đàm phán giữa hai bên, bao gồm cả ánh mắt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, thái độ, và ngữ điệu là rất cần thiết. Bên cạnh việc thể hiện ngôn ngữ mạch lạc rõ ràng, người phiên dịch cần phong thái tự tin nhằm tạo sự tin tưởng cho đôi bên”.

Nhiều bạn SV cùng lớp cho rằng, Cúc thật liều lĩnh khi đảm nhiệm những vị trí phiên dịch không dễ dàng, Cúc mỉm cười chia sẻ: nơi cạnh tranh khốc liệt nhất, nhiều khó khăn nhất là nơi có thể học được nhiều thứ nhất.

Hiện Cúc đang dành thời gian để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Cô tâm sự: “Mình may mắn vì được va chạm với thực tế ngay từ những năm đầu đại học nên cảm thấy khá tự tin trước khi ra trường. Những kỹ năng trong công việc không thể học được ở trường chắc chắn sẽ rất bổ ích trong tương lai”.

Theo Thảo Thanh
Phụ nữ TPHCM

 

0/5 (0 Reviews)