Đối với những Freelancer mới vào nghề, công việc dịch thuật sẽ vô cùng khó khăn. Sau đây là một số kinh nghiệm cho những dịch thuật viên mới vào nghề:
Thứ nhất
Cho dù bạn không có chứng chỉ dịch thuật tiếng Anh về luật hay về tài chính thì điều đó cũng không ngăn cản việc bạn đi sâu về các lĩnh vực đó, chất lượng của kết quả công việc mới là vấn đề. Nếu bạn thực sự có mong muốn tiếp cận với lĩnh vực mới thì cũng không quá khó để thảo mãn yêu cầu của khách hàng. Bạn cần tìm hiểu các thuật ngữ trong ngành một cách chi tiết rồi dịch thử trước cho khách hàng của bạn một vài trang. Đối với những dịch thuật viên tự do mới vào nghề, có rất nhiều nơi có thể giúp bạn tiếp cận khách hàng phù hợp với lĩnh vực chuyên môn mà bạn có kinh nghiệm. (Tham gia làm CTV cho các công ty dịch thuật chẳng hạn).
(Freelancer là nghề khó cần phải trau dồi hơn nữa các kinh nghiệm khác)
Điều quan trọng cần nhớ đó là không nên nhận những dự án mà bạn không chuyên hoặc ngoài khả năng của bạn. Nếu bạn thành thật với khách hàng và từ chối dự án này thì không có nghĩa là họ sẽ đánh giá thấp bạn. Điều đó chứng tỏ chất lượng dịch thuật chuyên nghiệp của bạn – bạn biết khả năng của mình và nó là “chất xúc tác” tốt giúp bôi trơn quá trình làm việc sau này của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên hợp tác với các chuyên gia dịch thuật về lĩnh vực mà bạn không chuyên để phát triển thêm các mối quan hệ cũng như kỹ năng chuyên môn khác (điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều khi nhận các dự án từ khách hàng).
Thứ hai
Phải chắc chắn rằng bạn có đặt câu hỏi với khách hàng, chỉ có đặt câu hỏi thì bạn mới có thể có cái nhìn toàn diện. Mỗi bản dịch đều ẩn chứa ít nhất là một mục đích, động cơ sau đó. Một trong những điều quan trọng trong việc dịch thuật chuyên nghiệp là làm rõ yêu cầu của khách hàng chứ không phải đoán mò ý khách hàng muốn nói gì hay cần gì! Một điểm sai lầm chung của những người mới bước vào ngành dịch thuật là cố gắng gây ấn tượng với khách hàng và không đặt câu hỏi về những yêu cầu của khách hàng. Việc này có thể khiến bạn “hụt hẫng” khi đến thời gian giao bản dịch khi nó không đúng với “yêu cầu thực sự” của phía khách hàng.
Ví dụ đơn giản là có nhiều khách hàng muốn dịch kiểu song ngữ (tiếng anh kèm tiếng việt) nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến việc đó (hoặc rất qua loa) vì ngỡ rằng “bạn đã hiểu!”…và đến lúc giao bản dịch thì “bạn sẽ hiểu!”…
Thứ ba
Khi dịch thuật phải đảm bảo hoàn toàn tuân theo phong cách bản gốc mà tác giả muốn diễn đạt cho dù đó là sự hài hước, câu cửa miệng hay là ngôn ngữ khoa học… Điều quan trọng nữa là phải dịch được ý nghĩa của từ ngữ chứ không đơn thuần là dịch nghĩa của từ, nếu cần bạn cũng phải nhờ người bản địa chỉnh sửa nội dung bản dịch để đảm bảo nó có vẻ tự nhiên và đúng như dự định diễn đạt của tác giả. Bạn phải nhớ rằng khi bắt đầu công việc dịch thuật như một dịch thuật viên tự do có nghĩa là bạn bắt đầu bước vào thế giới dịch thuật chuyên nghiệp và chuyên môn hơn. Có rất nhiều dự án để tham gia, tự do về thời gian và nhiều cơ hội phiêu lưu. Và cũng đừng quên rằng còn có rất nhiều người đi trước có kinh nghiệm sẵn sàng giúp bạn tránh những sai lầm mà họ đã mắc phải. Hãy sử dụng những giúp đỡ của họ để đạt được thành công trong công việc của bạn.