Tại thủ phủ Vladivostok có các giáo viên Nga đang dạy trẻ em Việt Nam ngôn ngữ Việt và những nội dung cơ bản của văn hóa Việt Nam. Nếu chỉ có chuyện các giáo viên Nga dạy trẻ em Việt Nam ở vùng Viễn Đông Nga thì không đáng ngạc nhiên. Nhưng chuyện lạ ở đây là các thầy cô giáo Nga dạy trẻ Việt Nam… ngôn ngữ Việt và những nội dung cơ bản của văn hóa Việt Nam.
Ở vùng duyên hải Primorye, nhiều gia đình Việt Nam có con cái được sinh ra ở Nga và đi học ở trường phổ thông Nga. Ngôn ngữ Nga đối với các em bé này trở nên thân thuộc y như tiếng mẹ đẻ. Quả là các em vẫn nói tiếng Việt với cha mẹ khi ở nhà, nhưng chỉ về những vấn đề sinh hoạt đơn giản. Các bậc cha mẹ đều làm việc nhiều và không thể dành đủ thời gian để dạy con ngôn ngữ của quê hương Việt, và điều đó khiến họ lo lắng. Vì thế, Hội đồng hương Việt Nam tại Primorye đã tìm tới yêu cầu giúp đỡ ở Chi nhánh Viễn Đông của Hội hữu nghị Nga-Việt. Lãnh đạo Chi hội này là một nhà Việt Nam học nổi tiếng, đứng đầu Trung tâm văn hóa-giáo dục Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, giáo sư Aleksandr Sokolovsky.
Giáo sư Sokolovsky kể chuyện như sau: “Trong khuôn khổ Trung tâm của chúng tôi đã lập ra trường dạy văn hóa Việt Nam và tiếng Việt cho các học trò là trẻ em người Việt từ 7 đến 14 tuổi. Giờ lên lớp được tổ chức mỗi tuần hai lần vào buổi chiều. Trẻ em học theo sách giáo khoa dùng cho các trường phổ thông của Việt Nam. Giáo viên của chúng tôi đều có nhiều kinh nghiệm, thêm vào đó tại Trung tâm của chúng tôi luôn có cơ hội tốt đẹp để làm quen rộng mở với nền văn hóa Việt Nam. Hiện tại ở trường có hơn 30 trẻ em theo học. Rất thú vị là có 5 em học sinh người Việt sau khi tốt nghiệp trường của chúng tôi đã học tiếp lên tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, theo chuyên ngành ngôn ngữ Việt Nam và địa phương học”.
Còn tại thủ đô Moscow, những người Việt đã cố gắng giải quyết vấn đề dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em trong điều kiện gia tại gia. Đã xuất hiện một “Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam”. Người nêu sáng kiến thành lập và hiện đang phụ trách “Câu lạc bộ” nhỏ này là chị Vân Anh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quốc gia Nga.
Chị Vân Anh chia sẻ: “Lập ra Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam chính là nhu cầu cần thiết của gia đình tôi cũng như của các bạn bè. Thoạt tiên, mấy mẹ tổ chức câu lạc bộ này như là một sân chơi dành cho các cháu nhỏ cùng lứa tuổi. Khi vui đùa cùng các bạn thì trẻ học tiếng và văn hóa hiệu quả hơn là chỉ nói chuyện với mẹ. Ban đầu chúng tôi muốn dạy văn hóa cho các trẻ em trước tuổi đến trường. Nhưng hóa ra có nhiều trẻ em người Việt đã 12-13 tuổi nhưng tiếng Việt rất kém, do đó chúng tôi hình thành mấy nhóm. Người dạy tiếng cho trẻ em ở Câu lạc bộ của chúng là các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt đang học tại các trường đại học Nga ở thủ đô, những “gia sư” rất nhiệt tình. Các bà mẹ đều hài lòng, còn trẻ em rất hứng thú đến vừa chơi vừa học ở Câu lạc bộ. Hiện nay chúng tôi làm việc 1 lần trong tuần, mỗi buổi một tiếng rưỡi, vào các Chủ nhật, ở Câu lạc bộ “Leader” (Lãnh đạo). Tất nhiên, chừng đó là ít. Chúng tôi muốn tăng thời lượng học, nhưng các cháu cũng bận bài vở ở trường Nga, và chúng tôi đang suy tính xem làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Ở chỗ chúng tôi hiện nay có 16 học sinh, nhưng tin chắc là sẽ mở rộng thêm. Tại Moscow có hàng trăm trẻ em người Việt, cần học tiếng mẹ đẻ và kiến thức văn hóa của quê hương, dân tộc, và chúng tôi có thể giúp các em trong việc này”.
Tất nhiên, để hòa nhập thành công vào xã hội Nga, những người Việt hiện sinh sống và làm việc ở đây cần phải biết tiếng Nga. Nhưng nếu trẻ em người Việt tại Nga mà không biết tiếng mẹ đẻ và không hiểu gì về nền văn hóa của quê hương truyền thống, thì dễ biến thành “người mất gốc”, nảy sinh vấn đề trong giao tiếp với các đồng hương và thậm chí là với người ruột thịt. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự cả đối với nhiều nước khác trên không gian hậu xô-viết, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo. Qua hai điển hình ban đầu như Vladivostok và Moscowa, tin rằng vướng mắc này cần giải quyết và có thể tháo gỡ thành công./.
Theo vietnamese.ruvr.ru