Sức mạnh của ngôn ngữ nằm trong tay người biết sử dụng chúng, đó là chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng tri thức nhân loại, và nắm bắt cơ hội mới, hãy để chúng tôi cùng song hành trên con đường thành công của Quý Khách.
 CEO of Focus Asia Services of Translation and Interpreting

Dịch thuật, nghề của người già

Hơn 2 tháng trước, một buổi “hướng dẫn học chữ Phạn” được tổ chức tại Đà Nẵng đã mở ra một “trào lưu” học ngôn ngữ cổ này. Chưa biết kết quả sẽ đi đến đâu, nhưng có thể thấy là nhiều người quan tâm đến chữ Phạn và chữ Phạn chưa “chết” trên đất nước cũng như với người dân Việt, nhất là khi có rất nhiều văn bia, kinh Phật đang chờ được dịch thuật một cách chuẩn xác nhất.

Ông Huỳnh Phương Bá, một trong những người dịch Hán Nôm tại Đà Nẵng.

Buổi học tiếng Phạn ấy được ông Lê Tự Hỷ, Việt kiều tại Mỹ đứng ra tổ chức, trên cơ sở cuốn sách “Tự học tiếng Phạn” do chính ông biên soạn, dựa trên tài liệu của các giáo sư Đại học Oxford (Anh). Điều đáng nói, ông Lê Tự Hỷ có nhiều năm tự học tiếng Phạn và vừa cho ra mắt tập 3 cuốn sách tự học này.

Hiểu tiếng Phạn/ Chăm cổ phải qua bản dịch trung gian

Ngoài kinh Phật, chữ Phạn còn tồn tại trên văn bia, đền tháp của nhiều di tích Champa. Và không phải bi kí nào cũng được dịch ra tiếng Pháp, Anh hay tiếng Việt. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho rằng, ngoài một số văn khác đã được các nhà khảo cổ tìm ra và dịch sang tiếng Pháp đầu thế kỷ 20, nhiều bi ký hiện nay được khảo cứu, dịch lại. “Việc đọc nội dung văn khắc qua bản dịch trung gian là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh khiến chúng ta không hiểu hết bản gốc văn bia. Trong khi văn bia Chăm gắn với việc phụng sự thần linh, phong cách ngôn ngữ cô đọng, nhiều điển tích, ẩn dụ, thậm xưng… Nếu có người được đào tạo bài bản, biết đọc được chữ Phạn và Chăm cổ sẽ rất hữu ích cho học thuật”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng không chỉ cần người biết tiếng Phạn/Chăm cổ để đọc văn bia, mà những người giỏi về Phạn ngữ còn có thể nghiên cứu về văn hóa Champa, trong khi miền Trung là cái nôi của nền văn minh này, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được biết đến.

Trong số những văn khắc có giá trị đặc biệt phát hiện tại Đà Nẵng là bia Hóa Quê và bia Khuê Trung.

Bia Hóa Quê phát hiện ở Hóa Quê (Khuê Trung) năm 1911, được Edouard Huber dịch từ tiếng Phạn và Chăm cổ ra tiếng Pháp, được xác định niên đại vào năm 899 sau Công nguyên, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Còn bia Khuê Trung (phát hiện ở Khuê Trung, Cẩm Lệ), được phát hiện vào khoảng năm 1985, nhưng mãi đến năm 2012, những chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) mới khảo cứu một cách tường tận, được dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt và in trong cuốn “Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”. Những người dịch cho biết chữ tiếng Phạn được viết theo một văn phong hoa mỹ, trong khi đó các dạng mẫu tự đơn giản hơn được sử dụng khi viết chữ Chăm.

Ông Lê Anh Dũng, trưởng đại diện NXB Văn học tại miền Trung-Tây Nguyên, người đứng ra mời ông Lê Tự Hỷ trao đổi về tiếng Phạn và tổ chức buổi học tại Đà Nẵng cho rằng nếu học được tiếng Phạn, thì nhiều người, đặc biệt là các tăng ni có thể đọc sách Phật giáo từ bản gốc. Do hoàn cảnh lịch sử, hầu hết kinh sách Phật giáo truyền tới nước ta từ trước đến nay đều thuộc dòng Bắc truyền Hán tạng do người Trung Hoa phiên dịch từ chữ Phạn (Sanskrit) sang chữ Hán. Hơn nữa, không phải chỉ dịch một lần, mà thực tế có thể là hơn hai lần. Từ chữ Phạn dịch sang chữ Hán, rồi từ chữ Hán chuyển sang âm Hán-Việt, cuối cùng dịch sang tiếng Việt. Có thể thấy những tư tưởng cao siêu trong kinh sách Phật giáo khó có thể thấm sâu trong quảng đại quần chúng phật tử bình dân do hàng rào ngôn ngữ này.

Những  dịch giả đều là người cao tuổi

Hai ngôn ngữ được dùng để viết ở đất nước Champa cổ là tiếng Phạn và Chăm cổ. Nhưng chỉ có một hệ thống chữ viết được sử dụng cho hai ngôn ngữ này. Giống như ở Việt Nam có hệ thống chữ Hán – Nôm được sử dụng trong những thế kỷ trước. Hiện nay lớp trẻ học tiếng Trung (hiện đại) rất nhiều, nhưng chẳng có mấy người đọc được các văn bản chữ Hán (cổ) cũng như bản Hán-Nôm. Thế là công việc dịch thuật này “nhường” lại cho những người cao tuổi ở Trung tâm (TT) Hán Nôm Đà Nẵng, mà người trẻ nhất cũng cỡ 60 tuổi. Từ một lớp học với vài chục người, đến nay TT Hán Nôm có 84 thành viên, số người dịch được sách chỉ khoảng mươi người, nhưng như vậy đã là rất đáng quý. Hai năm qua, các dịch giả đã dịch được 4 gia phả, dịch lại (thêm phần phiên âm) cuốn “Hòa Vang huyện chí”; thẩm định tài liệu chữ Hán về tuồng cổ do cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân để lại…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, bảo tàng đã nhờ các ông ở TT dịch “Đại Nam nhất thống chí” phần giới thiệu về Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông Thiện phát hiện và sao chép tài liệu này ở TT Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt, khi đưa về cho TT Hán Nôm mới biết là thiếu 11 trang trong tổng số 66 trang. Thế là ông Huỳnh Phương Bá, Giám đốc TT đã tự tìm kiếm trên trang Bách khoa toàn thư mở để có đầy đủ tài liệu. Ngoài ra cụ Bá còn dịch 9 sắc phong liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Phạm Phú Thứ, sắp tới sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận.

Ông Thiện cho biết hiện bảo tàng lưu trữ một số lượng các sắc phong, sắc chỉ liên quan đến Thành Điện Hải, đến quần đảo Hoàng Sa… số tài liệu này cần được dịch sang tiếng Việt, phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Hơn một năm nay TT Hán Nôm nhận dạy 1 tuần/buổi cho nhân viên bảo tàng, nhưng trước mắt mảng dịch thuật vẫn phải nhờ đến các “cụ” dù biết thời gian của các cụ không còn nhiều. Lớp trẻ không mặn mà gì đến học thuật Hán Nôm cũng bởi số lượng đầu việc dành cho sinh viên tốt nghiệp rất hạn chế. Trong ngành Văn ở các trường đại học có chuyên ngành Hán Nôm nhưng cũng ít người theo học. Trong vòng luẩn quẩn đó, việc thiếu người biên dịch chữ Hán Nôm cho cỡ vài năm nữa là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết, trong khi tại Việt Nam, chữ Hán Nôm tồn tại như một phần tất yếu trên các bia ký, liễn, đối, sớ và cả tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên…

HOÀNG NHUNG

(Báo Đà nẵng)

 

 

0/5 (0 Reviews)